SỨC KHỎE CHÚNG TA ĐANG RA SAO
Những con số dưới đây có thể hơi khô khan nhưng nó là tình trạng đang diễn ra trên khắp thế giới và tại Việt Nam. Nó không chỉ đơn giản là thông tin trên báo đài nữa mà là thực tế xảy ra xung quanh bạn và mình.
>> CHƯA TỚI 10% DÂN SỐ THỰC SỰ KHỎE MẠNH
Năm 2010, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong xã hội:
- Chỉ có khoảng 5-10% dân số thực sự khỏe mạnh
- Khoảng 10-15% dân số ốm yếu, bệnh tật
- Còn lại 75-85% dân số ẩn chứa những yếu tố gây bệnh hoặc có rối loạn chức năng
Đây là số liệu năm 2010 cách đây 13 năm. Chưa có báo cáo cho thời điểm hiện tại nhưng qua những diễn biến dưới đây, những tỷ lệ này có thể vẫn đang xấu đi.
>> TỐC ĐỘ GIÀ HÓA DÂN SỐ NHANH CHƯA TỪNG THẤY
Năm 2022 theo Liên hợp quốc, dân số thế giới đã đạt mốc 8 tỷ người. Cùng với đó, số người già trên thế giới tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Trong đó, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Theo thống kê của Bộ Y tế được công bố cùng năm 2022, người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính như: mạch vành, huyết áp, tiểu đường, ung thư… Chi phí điều trị mỗi năm dành cho người cao tuổi thường cao gấp 8 đến 10 lần người trẻ.
>> GẦN 2 TỶ NGƯỜI TRÊN THẾ GIỚI THỪA CÂN BÉO PHÌ
Thừa cân béo phì trở thành đại dịch mới toàn cầu!
Năm 2023 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận khoảng 1.9 tỷ người thừa cân béo phì trên toàn cầu, chiếm 24% dân số. Như vậy, cứ 4 người lại có 1 người thừa cân béo phì. Tại Việt Nam, tỷ lệ người thừa cân béo phì những năm gần đây chiếm tới 20% dân số.
Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm tuổi thọ, gây nhiều bệnh lý mạn tính như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, trầm cảm, ung thư, nhồi máu cơ tim. Ước tính khoảng 13 loại ung thư liên quan béo phì như vú, tử cung, buồng trứng, gan, mật, tụy, tuyến giáp, đa u tủy…
>> TỬ VONG DO TIM MẠCH CAO GẤP 20 LẦN TỬ VONG DO UNG THƯ!!
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Nguy hiểm hơn, bệnh không có dấu hiệu rõ ràng, các triệu chứng thường đến âm thầm nên nhiều người không nhận biết được bệnh.
Tại Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, gấp 20 lần số tử vong do ung thư.
Bệnh tim bắt nguồn từ yếu tố di truyền, đái tháo đường, béo phì, cao tuổi. Tuy nhiên, chế độ ăn uống và lối sống thiếu lành mạnh mới thực sự nguy hiểm đối với bệnh tim.
>> UNG THƯ VẪN LUÔN LÀ MỐI QUAN TÂM HÀNG ĐẦU TRÊN TOÀN CẦU
Số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021 là năm mà cả thế giới đã vượt qua một ngưỡng mới nghiêm trọng hơn khi ước tính đã có khoảng 20 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, đã có 10 triệu người tử vong do ung thư. Xu hướng mắc ung thư không ngừng gia tăng ở hầu hết các nước trên thế giới.
Theo số liệu từ Hội nghị ung thư quốc tế về phòng chống ung thư năm 2022, tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam cao thứ 2 thế giới. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới, số tử vong lên đến 82.000 trường hợp.
>> MỨC ĐỘ GIA TĂNG BỆNH TIỂU ĐƯỜNG VƯỢT KHỎI CÁC DỰ ĐOÁN
Tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) trên thế giới có xu hướng gia tăng rõ rệt và ngày càng trẻ hóa, vượt khỏi dự đoán của các Tổ chức Y tế.
Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7.1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người. Trong đó, 65% người bệnh không biết mình bị bệnh, 85% bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như tim mạch, suy thận, mờ mắt, biến chứng bàn chân…
>> 2011-2020: THẬP NIÊN XƯƠNG KHỚP TOÀN THẾ GIỚI
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giai đoạn từ năm 2011 đến 2020 được xem là “Thập niên xương khớp”. Tại Mỹ, hơn 80% dân số trên 55 tuổi thoái hóa xương khớp và mỗi năm chi hơn 100 tỷ USD cho các vấn đề liên quan đến điều trị xương khớp và tàn phế.
Theo ước tính của ngành Y tế Việt Nam, cứ người 10 thì có 3 người mắc bệnh loãng xương. Và các vấn đề về xương khớp ngày càng được trẻ hóa ở độ tuổi 30-40. Theo đó, có 30% người trên tuổi 35, 60% người trên tuổi 65 gặp vấn đề về thoái hóa khớp.
…
Ngoài ra, còn rất rất nhiều vấn đề bệnh tật khác mà theo mình nghĩ, là kết quả chủ yếu của sự BỊ ĐỘNG chăm sóc sức khỏe. Tới đâu tính tới đó.
Bạn có biết tự nhiên đã ưu đãi cho con người được sống tới 140 tuổi nhưng hiện tại tuổi thọ trung bình lại chỉ dừng lại ở con số 70-80 tuổi, tức là chỉ đạt 50% con số lý tưởng.
Mình tin là chúng ta có thể sống thọ và sống khỏe mỗi ngày nếu chúng ta biết CHỦ ĐỘNG chăm sóc sức khỏe của mình đúng cách.
THÂN CƯỜNG THÌ BỆNH NHƯỢC!
Đây là câu nói mình vô cùng yêu thích. Cơ thể chúng ta vô cùng kỳ diệu. Nếu nó được xây dựng một cách mạnh mẽ từ bên trong thì sẽ có khả năng chống chọi mọi bệnh tật. Giống như những cái cây khỏe mạnh, có bộ rễ cắm sâu vào lòng đất để lấy chất dinh dưỡng, giúp phát triển cành lá xum xuê. Chúng có khả năng sống sót tốt qua mọi loại giông bão hay cả những loài sâu bệnh tấn công.
Vậy nên vấn đề của chúng ta là xác định bộ rễ của mình ở đâu và CHỦ ĐỘNG chăm sóc cho nó ngày một chắc khỏe.
Thân mến,
Lam Anh