Cứ hai năm một lần, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF) lại phát hành báo cáo về Chỉ số năng lực phát triển du lịch trên toàn cầu (Travel & Tourism Development Index – TTDI).
Chỉ số năng lực phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2013 – 2021
Năm | 2013 | 2015 | 2017 | 2019 | 2021 |
Xếp hạng | 80/139 | 75/141 | 67/136 | 63/140 | 52/117 |
Cải thiện (bậc) | 0 | 5 | 8 | 4 | 8 |
Năm 2021, du lịch Việt Nam xếp hạng 52 trên 117 nền kinh tế toàn thế giới, tăng 8 bậc so với năm 2019. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, sau Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả rập Xê út (tăng 10 bậc).
So sánh với khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam xếp thứ 5 trên 11 nước: Singapore xếp 9, Indonesia xếp 32, Thái Lan xếp 35, Malaysia xếp 38, Việt Nam xếp 52, Philippines xếp 75.
TTDI năm 2021 gồm 5 nhóm, 17 chỉ số trụ cột, 112 chỉ số thành phần. Trong 17 chỉ số trụ cột, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới (từ hạng 1-35), 7 chỉ số được xếp vào nhóm trung bình cao thế giới (từ hạng 36-70), 4 chỉ số xếp vào nhóm hạng thấp nhất (từ hạng 71-117).
6 chỉ số dẫn đầu của Việt Nam gồm:
- Sức cạnh tranh về giá
- Tài nguyên thiên nhiên
- Tài nguyên văn hóa
- Hạ tầng hàng không
- Tài nguyên phi giải trí
- An toàn, an ninh
7 chỉ số xếp hạng trung bình của Việt Nam gồm:
- Môi trường kinh doanh
- Nhân lực và thị trường lao động
- Hạ tầng mặt bằng đất và cảng
- Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông
- Sức chống chịu kinh tế – xã hội
- Sức ép và tác động của nhu cầu du lịch
- Mức độ mở của quốc tế
4 chỉ số xếp cuối của Việt Nam cần cải thiện gồm:
- Y tế và vệ sinh
- Hạ tầng dịch vụ du lịch
- Mức độ ưu tiên của ngành du lịch
- Sự bền vững về môi trường
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định mục tiêu: Đến năm 2025, “Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững”. Đến năm 2030, Việt Nam “thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”. (Theo Tổng cục Du lịch)
** Chú thích:
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF) thành lập năm 1970, trụ sở tại bang Geneva, Thụy Sĩ. Hàng năm, WEF tổ chức Hội nghị Thường niên WEF tại Davos, Thụy Sĩ. Hội nghị WEF Davos có vai trò quan trọng như một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết Lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới để cùng nhau bàn thảo về những vấn đề then chốt toàn cầu (các xu thế vận động của kinh tế thế giới, mô thức tăng trưởng, các vấn đề quản trị nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp, các vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu,…) và cùng nhau cam kết tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
WEF là một tổ chức quốc tế trung lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, cũng như không có bất kỳ liên kết thiên lệch nào đối với các yếu tố mang tính chính trị, quốc gia dân tộc, hay cá nhân đơn lẻ.
Ngoài các cuộc họp quốc tế thường niên và nhiều cuộc họp khu vực khác, WEF cũng xuất bản các kết quả nghiên cứu và khuyến khích các thành viên cùng thực hiện các sáng kiến mang lại lợi ích cho toàn thế giới. (Theo Wikipedia)
Trust House Team